Bosozoku – Văn hóa mô tô độ và sự nổi loạn đang dần biến mất của thiếu niên Nhật Bản

Mặc dù bị coi là “ung nhọt” của xã hội, song đối với những thành viên Bosozoku chân chính, họ coi mình giống như những chiến binh samurai hiện đại, đang bảo vệ giá trị truyền thống của Nhật Bản.

Đối với phần còn lại của thế giới, Nhật Bản luôn mang một hình ảnh yên bình, văn minh và thân thiện. Thế nhưng trong xã hội kiểu mẫu ấy, vẫn tồn tại một cộng đồng đầy nổi loạn, liều lĩnh và nguy hiểm, đó chính là Bosozoku (có nghĩa: Bạo Tẩu Tộc – Đội Xe Bạo Lực), những băng đảng mô tô xe máy độ.

Nguồn gốc

Bộ phận văn hóa này bắt nguồn từ giai đoạn hậu Thế Chiến II, thất bại của quân đội Nhật Bản gây nên những bức bối trong xã hội, cộng thêm ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài khiến sự nổi loạn của giới trẻ bùng phát, họ tìm lối thoát qua tốc độ, sự ồn ào trên đường phố, và điều này đã đặt nền móng cho sự xuất hiện của những nhóm Bosozuku đầu tiên.

Tuy nhiên, phải đến thập niên ’70, thuật ngữ “Bosozoku” mới chính thức xuất hiện khi bạo động thực sự xảy ra giữa những băng đảng mô tô và lực lượng cảnh sát. Mặc cho những nỗ lực của truyền thông và chính quyền Nhật Bản, Bosozuku tiếp tục phát triển mạnh mẽ rồi đạt tới đỉnh cao ở thập niên ’80.


Thập niên ’80 được coi là thời kỳ hoàng kim của văn hóa Bosozoku khi số lượng thành viên lên tới hơn 40.000 người

Không giống như những băng đảng mô tô ở Mỹ hay ở bất cứ đâu trên thế giới, đa số thành viên của Bosozuku chỉ là những thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 16 đến 20, vừa đủ để có bằng lái mô tô và có thừa sự nổi loạn của tuổi mới lớn. Họ mang kiểu tóc ngổ ngáo, thời trang khác người để thể hiện sự tách biệt với xã hội, luôn thủ sẵn vũ khí là những chiếc gậy sắt trong người, sẵn sàng xung đột và náo loạn đường phố bất cứ lúc nào.

Anh Nagasawa, 20 tuổi, một cựu thành viên của Bosozoku, đã rời băng đảng của mình năm 18 tuổi sau 2 năm tham gia, cho biết: “Khi bạn là một thành viên của Bosozoku, bạn không chạy trốn khỏi những cuộc ẩu đả hay sợ hãi khi thấy cảnh sát. Bạn sẵn sàng đối mặt với tất cả mọi thứ, kể cả cái chết. Tôi bị cuốn hút một cách mãnh liệt vào lối sống Bosozoku. Nó đậm chất Nhật Bản.


Nagasawa Shotaro, một cựu thành viên Bosozoku đã “nghỉ hưu” năm 2015

Mặc dù bị coi là “ung nhọt” của xã hội, song đối với những thành viên Bosozoku chân chính, họ coi mình giống như những chiến binh samurai hiện đại, đang bảo vệ giá trị truyền thống của Nhật Bản. Họ tôn thờ chủ nghĩa cực đoan của Nhật Hoàng trong Thế Chiến II, với biểu tượng mặt trời mọc được gắn lên mô tô, mũ bảo hiểm, trang phục…

Ở những quốc gia khác như Mỹ, Canada hay Úc, các băng đảng mô tô vẫn luôn được liên hệ với những hành vi phạm pháp như buôn ma túy hay phạm tội có tổ chức.  Song tại Nhật Bản, tác động tiêu cực của Bosozoku chủ yếu là gây rối trật tự, mặc dù có một bộ phận Bosozoku sau này cũng đi theo con đường phạm tội trong các tổ chức Yakuza Nhật Bản.

Sự thoái trào

Theo báo cáo của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, số lượng thành viên Bosozoku đạt đỉnh điểm vào năm 1982 là 42.510 người, song kể từ đó đã suy giảm mạnh, xuống mức  thấp kỷ lục là 6.771 thành viên vào năm 2015.


Một mẫu mô tô độ điển hình theo phong cách Bosozoku

Có hai lý do cụ thể nhất để lý giải cho sự suy thoái của những băng đảng Bosozuku trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Thật bất ngờ, đầu tiên đó chính là sự đi xuống của kinh tế Nhật Bản. Ban đầu, nghe nó có vẻ “ngược đời”, bởi theo lẽ thông thường, chúng ta cho rằng kinh tế suy thoái sẽ dẫn tới lạm phát, giảm lương, tỷ lệ thất nghiệp cao, thuế tăng – tạo điều kiện để các giai cấp chống đối như Bosozoku bùng nổ mạnh mẽ. Song có một sự thật là, mô tô là phương tiện khá đắt đỏ, độ xe lại càng tốn kém hơn, kể cả trang phục tokko-fuku (đặc công phục) truyền thống của Bosozoku cũng trở nên xa xỉ đối với những thiếu niên mới lớn này.

Lý do thứ hai phải kể đến sự mạnh tay của lực lượng cảnh sát và pháp luật Nhật Bản hiện nay. Trước đây, rất hiếm khi các thành viên của Bosozoku bị bắt giam, trừ khi họ “quậy” thực sự quá mức. Luật pháp Nhật Bản không cấm tham gia các băng đảng như Bosozoku, và đa phần những thiếu niên này chỉ vi phạm luật giao thông với tội “lái xe bất cẩn”, không quá nặng để bị bắt giam hay thậm chí tước bằng lái xe.

Nhưng hiện nay, cảnh sát đã sử dụng những biện pháp theo dõi chặt chẽ hơn để kiểm soát hoạt động của các băng đảng Bosozoku. Đồng thời với bộ luật mới, những thiếu niên nông nổi này hoàn toàn có thể phải “bóc lịch” vài năm vì sự nổi loạn cực đoan của mình.


Nổi loạn, bạo lực và không bao giờ quay đầu khi phải chiến đấu là những đặc tính của một Bosozoku chân chính

Vào thời của chúng tôi, kể cả nếu có bị bắt vì là một Bosozoku, chúng tôi cũng rất hiếm khi bị tống giam, trừ khi mắc phải tội gì cực kỳ nặng. Nhưng ngày nay, luật pháp đã siết chặt hơn và camera giám sát thì dường như có mặt ở khắp mọi nơi. Với tất cả những rủi ro đó, giờ đây bạn phải thực sự liều lĩnh mới trở thành một Bosozoku được”  anh Iwahashi Kenichiro, nhà báo tự do và chuyên gia về tội phạm thanh thiếu niên, cũng là một cựu thành viên của Bosozoku, cho biết.

Băng đảng mô tô hiện đại

Trong khi văn hóa Bosozoku đang dần dần biến mất, thì một hội nhóm mô tô độ mới xuất hiện là Kyushakai (có nghĩa: Cựu Xa Hội – Hội Xe Cũ) đang ngày càng phát triển. Họ là tập hợp những người cuồng mô tô độ, cả người trưởng thành và thanh thiếu niên, rất nhiều trong số đó từng là thành viên của một băng đảng Bosozoku.


Hình ảnh về một băng đảng Bosozoku trong năm 2013

Các nhóm Kyushakai tự cho mình là băng đảng mô tô hiện đại, tuân thủ luật pháp, điểm chung duy nhất của họ với Bosozoku là cách độ xe để phóng đại tiếng pô và xoay biển số. Không gây náo loạn, mục đích của họ là có những chuyến “phượt” tuyệt vời cùng bạn bè của mình – hay ít nhất là họ nói như thế. Dựa theo số liệu cảnh sát Nhật Bản, năm 2015, số lượng băng đảng Kyushakai là 578 và thành viên là 6.173 người, tăng gần gấp 2 từ con số 369 băng và 3.510 thành viên trong năm 2006.

Có lẽ Kyushakai sẽ thay thế vị trí của Bosozoku, thay đổi hình ảnh của những băng nhóm mô tô độ trong xã hội hiện đại. Song chắc chắn rằng, sự nổi loạn cùng những chiếc mô tô độ chắc chắn vẫn sẽ luôn tồn tại, dù có thể chỉ là ở dưới lớp sóng ngầm của nền văn hóa Nhật Bản.

Bạn cũng có thể thích