Điểm mặt các hãng xe có hiện diện của Trung Quốc
Vung tiền thu mua cổ phần của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới là xu hướng của những “ông lớn” Trung Quốc, trong đó có cả các hãng xe. Mới nhất phải kể đến thương vụ Daimler của ông Lý Thư Phúc, chủ tịch hãng xe Geely.
Daimler (Đức)
Vào tháng 2/2018, ông Lý Thư Phúc chi đến 9 tỷ USD để mua vào 10% cổ phần của tập đoàn Daimler và chính thức trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất. Thương vụ bạc tỷ này đã khiến chính phủ Đức phải xem xét lại quá trình đầu tư của ông Phúc, dù vậy không có vi phạm nào bị điều tra ra.
Volvo (Thụy Điển)
Volvo dường như là hãng xe lận đận nhất khi liên tiếp đổi chủ. Năm 1995, Ford từng thu mua Volvo với giá 6,5 tỷ USD. Song, vì thua lỗ nên Ford đã bán lại Volvo cho tập đoàn Geely với giá 1,8 tỷ USD và năm 2010. Nhiều người lo ngại Volvo khi về tay người Trung sẽ bị đánh mất bản sắc và gặp khủng hoảng. Nhưng, Volvo lại có sự chuyển mình mạnh mẽ dưới trướng Geely khi trở thành hãng xe sang và đạt lợi nhuận khả quan trong nhiều năm qua.
Đến tháng 12/2017, ông Lý Thư Phúc nắm giữ cổ phần cao nhất tại Volvo AB, hãng xe tải Thụy Điển lớn thứ hai thế giới sau khi đạt thỏa thuận có giá trị 3,9 tỷ USD.
London Taxi (Anh)
Vào năm 2013, Geely chi ra 17,4 triệu USD để sở hữu Manganese Bronze Holdings, công ty sở hữu thương hiệu London Taxi Company (LTC). Sau khi rơi vào tay Geely, LTC đã đổi tên thành London EV Company, tập trung sản xuất những mẫu taxi đen (Black Cab), biểu tượng của thủ đô London, nhưng chạy bằng động cơ điện.
Proton (Malaysia)
Proton với kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu ô tô Malaysia phát triển nhất, nhưng đã chấp nhận bán gần 50% cổ phần cho Geely hồi tháng 5/2017. Quyết định thu mua cổ phần của Proton có thể xem là bước đi quan trọng trong kế hoạch xâm nhập thị trường Đông Nam Á của Geely.
Lotus (Anh)
Cùng thời gian trên, hãng mẹ của Geely là tập đoàn Zhejiang Geely Holding cũng thành công trong thương vụ thu mua hãng xe thể thao Anh quốc Lotus. Được biết, Lotus từng về tay Proton hồi 1996. Giá trị thương vụ này là 66,2 triệu USD. Và họ đang có ý định đa dạng hóa sản phẩm của Lotus với các mẫu xe hơi phổ thông, xe sang, xe điện và xe thể thao.
Terrafugia (Mỹ)
Terrafugia là một trong số ít công ty tiên phong sản xuất những mẫu xe bay có khả năng chạy trên đường bộ lẫn cất cánh trên không. Và với tham vọng của mình, Geely tiếp tục vung tiền để thu mua Terrafugia vào tháng 11/2017. Tuy nhiên giá trị thương vụ này lại không được tiết lộ.
MG (Anh)
Sau Geely, một loạt công ty khác ở Trung Quốc cũng thực hiện các thương vụ thu mua. Vào năm 2005, công ty ô tô Nam Kinh (Nanjing Automobile Group) đã bỏ ra khoảng 87 triệu USD để nắm quyền kiểm soát MG (Morris Garages), thương hiệu đã góp phần làm nên nền công nghiệp ô tô ở Anh. MG sau đó đã được sáp nhập với tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC Motor).
PSA Peugoet Citroen (Pháp)
Tháng 12/2014, Tập đoàn ô tô Đông Phong (Dongfeng Motor Group Co.) đã đầu tư gần 1,1 tỷ USD vào tập đoàn xe hơi Pháp PSA để nắm lấy 14%. Mặc dù vậy, hợp đồng thu mua có đề cập đến điều kiện hãng xe Trung Quốc sẽ không tăng cổ phẩn trong 10 năm tiếp theo, nhằm hạn chế ảnh hưởng đối với hoạt động của PSA.
Tesla (Mỹ)
Tesla là một trong những công ty có mức tăng trưởng vốn hóa thị trường nhanh nhất thế giới. Đồng thời, Tesla có hướng đi khác biệt, chỉ sản xuất xe điện, lĩnh vực vốn là xu hướng tương lai của thị trường ô tô. Chính điều này đã khiến gã khổng lồ ngành internet Trung Quốc là Tencent Holdings bỏ ra khoảng 1,8 tỷ USD để nắm 5% cổ phần của Tesla vào tháng 3/2017.
Ngoài các hãng xe kể trên, các tập đoàn Trung Quốc cũng bỏ ra khoản tiền lớn để thu mua các hãng phụ trợ và mô tô danh tiếng. Theo đó, hãng mô tô Beneli nổi tiếng của Ý đã chính thực thuộc về tập đoàn Qianjiang sau thời gian dài khủng hoảng.
Tiếp đến, vụ khủng hoảng túi khí đã đẩy Takata, hãng linh kiện, phụ tùng khổng lồ ở Nhật Bản đến bờ vực phá sản. Song, đối thủ của Takata là Key Safety Systems (KSS) đặt tại Mỹ nhưng thuộc sở hữu của tập đoàn Ningbo Joyson Electronic Corp, Trung Quốc mua lại với giá 1,6 tỷ USD.
Cuối cùng là Pirelli (Ý) hãng lốp lớn thứ 5 trên thế giới có lịch sử 143 năm hoạt động đã bị tập đoàn hóa chất Trung Quốc, ChemChina thâu tóm với giá trị 7,7 tỷ USD.
Xem thêm: Trước khi rót 9 tỷ USD vào Daimler, hãng Geely từng muốn mua Fiat Chrysler