Nigeria: Khủng hoảng dầu mỏ, tài xế chờ đợi hàng tiếng để đổ xăng
Hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ cuối năm 2017 đã đẩy người dân Nigeria vào cảnh thiếu nhiên liệu. Các phương tiện phải xếp hàng cả cây số và chờ đợi nhiều giờ chỉ để đổ xăng.
Nigeria được biết đến với ngành xuất khẩu dầu và là nhà sản xuất “vàng đen” lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, quốc gia châu Phi này đang đứng trước tình trạng thiếu năng lực khai thác, kéo theo thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng. Chính phủ Nigeria đã phải nhập khẩu đến 9,8 triệu tấn xăng dầu vào cuối năm 2017 nhằm giải quyết khủng hoảng dầu mỏ.
Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã khiến cho giới lái xe ở đây phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Thời gian chờ có khi lên đến 24 tiếng. Chia sẻ với AFP, Tope Alake, một tài xế ở Lagos cho biết: “Tôi muốn về dự Giáng sinh với gia đình ở Osun (phía bắc Lagos), nhưng giờ đành phải hủy bỏ vì vẫn phải đứng chờ đổ xăng.”
Trong khi đó, tài xế khác là ông Alex Ogunsola nói rằng: “Đáng lý giờ này tôi phải ở bên gia đình. Nhưng giờ tôi vẫn còn đang xếp hàng chờ đổ xăng, và thậm chí tôi không chắc tôi có thể mua được xăng hôm nay hay không.”
Video trên được ghi hình vào ngày 24/12/2017 tại một trạm xăng nằm ở thủ đô Abuja (Nigeria). Thời điểm đó, tất cả vòi bơm đều dừng hoạt động vì đã cạn sạch nhiên liệu. Tuy nhiên, các tài xế vẫn xếp hàng và chờ đợi trụ bơm tiếp xăng để có thể mua vì không còn cách nào khác.
Còn đây là hình ảnh được quay lại tại trạm xăng Conoil (Nigeria). Ô tô nối đuôi nhau, một số tài xế ngồi trong xe, số khác thì mở cửa đứng bên ngoài để chờ đổ xăng. Thời gian chờ có thể mất đến cả ngày.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Nigeria hiện vẫn chưa rõ ràng. Theo những nhà phân phối xăng dầu, Công ty Xăng dầu Quốc gia Nigeria (NNPC) chịu trách nhiệm phân phối trong nước đã có lỗi trong vụ khủng hoảng này vì đã không có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của quốc gia.
Vào ngày 25/12, Tổng giám đốc NNPC, ông Maikanti Baru đã thông tin về kế hoạch cung cấp 300 triệu lít xăng bổ sung để hỗ trợ mức tiêu thụ 45 triệu lít/ngày. Đồng thời, ông cũng tiết lộ rằng, các nhà máy lọc dầu Harcourt và Kaduna chỉ sản xuất được 3,8 triệu lít dầu tinh chế/ngày. Con số này quá ít so với số lượng xuất khẩu gần 2 triệu thùng dầu thô/ngày của Nigeria.
Song, ông Baru cho rằng những người bán xăng dầu thợ đen đã làm tê liệt các trạm xăng của nhà nước nhằm tăng giá bán. Trong khi người tiêu dùng nghi ngờ chính phủ đã tạo ra cuộc khủng hoảng này để chuẩn bị cho đợt tăng giá xăng dầu vào năm 2018.
Xem thêm: Xăng A92 không thể “hồi sinh”