Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh – sản xuất ô tô

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh – sản xuất, nhập khẩu, lắp ráp và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với mục tiêu bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và sự an toàn cho người sử dụng.

quy-dinh-chat-che-hon-ve-dieu-kien-kinh-doanh-san-xuat-o-to
Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh – sản xuất ô tô

Nhà sản xuất có trách nhiệm triệu hồi

Tại tọa đàm góp ý dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh – sản xuất, nhập khẩu, lắp ráp và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vừa diễn ra ở TP. HCM mới đây, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng, điều 4 và 5 của dự thảo quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, lắp ráp ô tô trong việc bảo hành, bảo dưỡng, thu hồi ô tô nhưng chưa đưa ra các chế tài xử lý khi có doanh nghiệp vi phạm. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp sẽ bồi thường cho người tiêu dùng như thế nào và lấy căn cứ gì để bảo đảm các doanh nghiệp này sẽ triệu hồi xe khi có lỗi kỹ thuật? Vì vậy, luật sư Nguyễn Văn Hậu đã đề nghị Dự thảo nghị định nên đưa nội dung chế tài xử lý vi phạm vào để làm căn cứ pháp luật cho cơ quan quản lý nhà nước xử lý các doanh nghiệp nhập sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Theo ông Hậu, dự thảo đặt điều kiện doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chỉ sở hữu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Còn về điều kiện nhập khẩu ô tô, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô thì buộc đơn vị nhập khẩu ô tô có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định tại nghị định sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng.

Tại văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo đặc biệt chú ý đến trách nhiệm triệu hồi và thu hồi ô tô thải bỏ. VCCI cho rằng, triệu hồi ô tô là nghĩa vụ xử lý các lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của ô tô. Lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn của ô tô phát sinh trong quá trình thiết kế và sản xuất, lắp ráp ô tô cho đến khi ô tô xuất xưởng. Các công đoạn này đều thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất chứ không phải nhà phân phối. Chính vì vậy, trách nhiệm triệu hồi se thuộc về nhà sản xuất. Trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất có thể thỏa thuận với nhà phân phối để nhà phân phối thay mình đứng ra thực hiện nghĩa vụ triệu hồi sản phẩm đối với khách hàng. Song, đây chỉ là quan hệ đại diện trong dân sự, còn trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà sản xuất.

Đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, nếu nhà sản xuất nước ngoài không hoàn thành nghĩa vụ triệu hồi thì Việt Nam có quyền ra lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm tương tự từ nhà sản xuất đó.

Liên quan đến việc triệu hồi xe, VCCI cũng cho rằng, dự thảo nghị định quy định các nhà nhập khẩu chỉ cần cam kết với Bộ Công Thương về việc triệu hồi là chưa hợp lý. Vấn đề này cần phải được cam kết từ nhà sản xuất bởi chỉ có nhà sản xuất mới biết chính xác các lỗi hỏng hóc mang tính hệ thống và phát sinh trong quá trình thiết kế, sản xuất sản phẩm. VCCI đề suất, nghị định nên bổ sung nội dung chỉ cấp phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đáp ứng điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo nghị định. Ngoài ra, cần cam kết bằng văn bản về việc thực hiện bảo hành bảo dưỡng, triệu hồi xe theo quy định.

Lo ngại xe giá rẻ tràn lan

Luật gia Trần Đình Thu, Trung tâm Tư vấn Pháp luật tại TP. HCM thuộc Hội Luật gia Việt Nam cảnh báo về việc khủng hoảng thừa ô tô. Vì điều 21 của dự thảo này so với Thông tư 20 của Bộ Công Thương lại quá mở về điều kiện nhập khẩu ô tô đối với các doanh nghiệp. Mục đích ra đời Thông tư 20 là để chấn chỉnh lại thị trường đang quá thừa ô tô nhập khẩu. Khi điều kiện nhập khẩu ô tô quá dễ sẽ xảy ra hiện tượng nhà nhà mua xe, người người mua xe giá rẻ để vừa kinh doanh Uber, Grab… vừa xem là kênh cất giữ tài sản. Ông Thu nhấn mạnh, sẽ có người lập luận rằng thị trường sẽ điều tiết nhưng chờ đến lúc đó thì sức dân cũng đã kiệt quệ. Vì vậy, kinh tế thị trường phải điều tiết sớm những hiện tượng như vậy.

Đồng thời, ông Thu cũng cho rằng, có nguy cơ xe lỗi kỹ thuật không được xử lý vì những nhà sản xuất kém chất lượng sẽ nhắm vào thị trường dễ dãi để bung hàng. Trong khi đó, nhà sản xuất lại không cam kết việc triệu hồi, thu hồi xe bị lỗi. Quy định nhà nhập khẩu cam kết thay cho nhà sản xuất thật sự là không khả thi đối với pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị chế tài như thế nào khi họ cam kết mà không thực hiện hoặc họ muốn thực hiện nhưng “lực bất tòng tâm”? Khi đó, nhà nước phải chịu trách nhiệm giải quyết hoặc hậu quả sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng. Nếu không có chế tài thì nhà nhập khẩu sẽ bỏ mặc hậu quả, sử dụng kế “kim thiền thoát xác”, lập doanh nghiệp nhập khẩu mới để tiếp tục nhập xe, bỏ lại doanh nghiệp cũ với cái tên và chây ì việc xử lý xe bị lỗi.

Theo ông Laurent Cenet, Tổng Giám đốc nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam, trách nhiệm về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi khi sản phẩm có lỗi thuộc về nhà sản xuất. Hãng sẽ liên kết với nhà sản xuất – nhập khẩu để có trách nhiệm triệu hồi, tuy nhiên chỉ triệu hồi những xe sản xuất đúng cấu hình dành cho thị trường đó.

Một số chuyên gia đánh giá, quy định có ít nhất một cơ sở bảo hành thuê hoặc sở hữu chỉ là quy định lấy lệ, không có ý nghĩa thiết thực. Đấy là chưa kể, quy định này sẽ còn “hành hạ” người tiêu dùng vì họ phải đi cả ngàn cây số mới có cơ sở bảo hành.

Bạn cũng có thể thích