Trung Quốc: Cách xử phạt đối tượng “ít bị áp dụng mức phạt giao thông”
Một số thành phố ở Trung Quốc đã có cách xử phạt khá nghiêm khắc với những đối tượng thường ít bị áp dụng mức phạt giao thông nhất.
Theo đó, đối tượng ít bị áp dụng mức phạt giao thông nhất là người đi bộ. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã thực hiện các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với người đi bô vi phạm. Các hành vi sai quy định như đi bộ không theo đèn tín hiệu, sự điều khiển của cảnh sát giao thông, gây mất an toàn đều bị xử phạt. Ở lần đầu tiên và thứ hai, người vi phạm sẽ chịu cảnh cáo và ghi nhận lỗi từ cảnh sát. Đến lần thứ 3, họ sẽ bị phạt 3 USD.
Theo Shanghaiist, cảnh sát Thượng Hải sẽ hỏi một số thông tin của người vi phạm như số chứng minh, hộ chiếu, bằng lái và lưu vào dữ liệu. Song, nếu không cung cấp đầy đủ thông tin, họ sẽ bị phạt ngay tại chỗ.
Được biết, chiến dịch cưỡng chế đối với người đi bộ sai luật xuất phát từ số lượng vi phạm ngày càng gia tăng và đạt mức báo động. Năm 2017, Thượng Hải là một trong số những thành phố đầu tiên ở Trung Quốc thử nghiệm camera giám sát và phần mềm nhận diện gương mặt để nêu tên và bêu xấu người đi bộ sai luật. Ngoài ra, ảnh của người vi phạm còn bị đăng trên màn hình ở bến xe buýt nhằm nhắc nhở người khác không nên đi sai luật.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng từng thực hiện một biện pháp khác vào năm 2013. Theo đó, người đi bộ sai luật sẽ phải đứng trên bục và đọc to một tờ nhật báo cho những người bộ khác nghe thấy.
Ngoài Thượng Hải, nhiều thành phố khác ở Trung Quốc cũng đang nỗ lực để tìm giải pháp nhằm hạn chế sự lan rộng của thói quen sang đường ẩu ở quốc gia này. Thậm chí có câu ví von “sang đường theo phong cách Trung Quốc”.
Một quận ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đã lắp đặt một số cổng an ninh tự động tại một giao cắt vào năm 2017. Theo đó, cổng sẽ tự động đóng/mở theo màu đèn tín hiệu giao thông và camera tại chỗ sẽ ghi lại gương mặt của những người đi bộ sai phạm. Ngay lập tức, hình ảnh sẽ hiện lên trên màn hình lớn tại giao cắt. Song, chỉ một tuần sau, cổng này đã bị tháo dỡ do khiếu nại của người dân.
Tuy nhiên, ít tháng sau, chính quyền nơi đây cũng tìm ra giải pháp khác là dùng dây chặn màu đỏ. Dây sẽ được căng ngang đường nhằm chặn người đi bộ, đi xe đạp, xe máy sang đường khi chưa có tín hiệu cho phép. Và dây sẽ tự động nâng lên khi đèn xanh.
Có rất nhiều giải pháp đã được các thành phố áp dụng. Thế nhưng, ấn tượng nhất có thể kể đến phương pháp của thành phố Thâm Quyến vào năm 2015. Cụ thể, khi cảnh sát bắt người đi bộ gây mất an toàn, họ sẽ phải đội một chiếc mũ xanh lá nổi bật. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy hổ thẹn, từ đó rút kinh nghiệm về hành động sai luật của mình.
Xem thêm: Cho trẻ nhỏ ngồi trên ô tô đúng cách như thế nào?