Vì sao thiết kế đèn pha lồi lại biến mất trên ô tô?

Đã từng có thời đèn pha lồi là trang bị giúp xe trở nên “sang chảnh” hơn, nhưng vì nhiều lí do, thiết kế này đã dần biến mất.

Nhiều người yêu xe thuộc thế hệ trước ắt hẳn vẫn còn nhớ cảm giác ngắm nhìn mê mẩn những chiếc ô tô biểu tượng của thập niên ’80 và ’90 như Honda NSX đời đầu, Ferrari F40 hay Porsche 928 với kiểu đèn pha lồi. Trong hàng thập kỷ, đèn pha lồi là một trong những thứ đơn giản nhất có thể lại đem tới cảm giác vui sướng cho những người yêu xe. Ai quan tâm đến chuyện có bao nhiêu mã lực bên dưới nắp capô kia khi xe bạn có thiết kế đèn lồi siêu chảnh cơ chứ?

Đèn pha lồi “sang chảnh” trên một chiếc xe đời cũ

Một số người yêu thích cơ chế chúng mở ra và đóng lại. Có người lại thích đèn pha lồi hoạt động như mí mắt mở lên, cụp xuống, giúp xe trở nên giống một con người hơn. Thế nhưng, giờ đây bạn sẽ hiếm thấy một chiếc xe mới có đèn pha lồi. Rốt cuộc chúng đã đi đâu hết rồi?

Kiểu thiết kế đèn pha lồi được giới thiệu lần đầu trên mẫu xe Cord 810 vào năm 1936 và là một cách thức tinh tế để giấu đi những bóng đèn pha tròn xấu xí thường được sử dụng ở giai đoạn đó. Cord 810 đã tạo ra một cơn chấn động khi ra mắt lần đầu ở triển lãm New York 1935 và nhanh chóng được hơn 1.000 người đặt hàng ngay tại sự kiện này.


Cord 810 1936 là mẫu xe đầu tiên sử dụng thiết kế đèn pha lồi

Thế nhưng, phải đến thập niên ’60 và ’70, đèn pha lồi mới thực sự trở thành một xu hướng mới trong thiết kế xe. Thời đó, luật lệ ở Mỹ quy định rằng tất cả xe phải có đèn pha hình tròn hoặc vuông với chóa đèn parabol và ốp đèn hàn cố định vì những lí do an toàn. Tuy nhiên, thiết kế cồng kềnh của đèn pha kiểu này đã tạo ra giới hạn về kiểu dáng.

Các nhà thiết kế xe không hề ưa gì những loại đèn pha hàn kín to tướng và bắt đầu giấu chúng bằng những thiết bị hoạt động kiểu cửa sập. Điều này giúp các nhà thiết kế giữ được tỷ lệ kích thước thấp, gọn gàng của xe và đáp ứng đúng quy định pháp luật.

Thông minh và phong cách

Về cơ bản, luật lệ trong những năm ’70 ở Mỹ đã đưa ra quy định chiều cao tối thiểu cho đèn pha. Tuy nhiên, kích thước tối thiểu này được bị đánh giá là cao hơn so với chiều cao mong muốn của những chiếc xe thể thao gầm thấp.

Một lần nữa, giấu đi đèn pha cho phép các nhà sản xuất xe có thể lách luật một cách khéo léo, với các chụp đèn có thể nâng lên đúng độ cao tiêu chuẩn trong khi giữ được nét đẹp thiết kế như mong muốn. Tới thập niên ’80, các nhà sản xuất xe Nhật Bản đã tiếp thu xu hướng này và nâng nó lên một tầng cao mới, tạo ra đủ kiểu nắp capô thấp độc đáo như Honda Accord 1988 và Mazda MX-5 Mk1 đời đầu.

Tuy nhiên, ở thời hiện đạị, những quy định buộc các nhà sản xuất tìm đến thiết kế đèn pha lồi đã biến mất. Trong khi đó, những quy định mới lại hạn chế tác dụng của kiểu đèn pha này.

Đèn pha lồi dần biến mất vì nhiều lý do khác nhau

Tới những năm ’90, luật lệ yêu cầu các xe ở Mỹ phải có đèn pha hàn kín đã bị loại bỏ. Nhờ đó, các nhà sản xuất bắt đầu cho ra đời đủ kiểu thiết kế khác biệt, hợp nhất đèn pha với các đường thân xe và chóa đèn trong suốt.

Sự gia tăng việc sử dụng đèn pha LED và đèn pha thích ứng, có thể chiếu sáng theo góc lái, cũng góp phần làm người ta quên đi sự tồn tại của đèn pha lồi. Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất đã gây nên cái chết của đèn pha lồi chính là quy định an toàn giao thông. Khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất sử dụng đèn pha lồi, người ta cũng phát hiện ra nhiều sự cố kéo theo đó, từ lỗi một bên cụp một bên mở nổi tiếng, cho tới tình huống bực bội là cả hai đèn pha đều đóng chặt không thèm động đậy. Tại Mỹ, một tiêu chuẩn an toàn đã được lập ra bởi chính những đèn pha không đáng tin cậy này.

Một chiếc xe Honda bị “mắt cụp, mắt xòe”

Giới hạn an toàn ngày càng tăng

Tại châu Âu, một quy định về thiết kế đã được tung ra trong thập kỷ trước, yêu cầu xe phải sẵn sàng bị biến dạng hơn, nhằm bảo vệ người đi bộ khỏi những vụ va chạm mạnh. Một báo cáo được trình bày ở Ủy ban châu Âu vào năm 2004 nói rằng rất khó để tạo ra những đèn pha giấu kín mà phù hợp với những luật lệ này, và cái giá bỏ ra để sản xuất chúng thực sự không đáng.

Mặc dù luật lệ châu Âu không áp dụng đối với xe ở Mỹ và ngược lại, nhưng hầu hết các nhà sản xuất xe đều hoạt động trên quy mô toàn cầu nên luật kể trên cũng đã góp phần tiêu diệt thiết kế đèn pha lồi dù chúng rất “sang chảnh”.


Chevrolet Corvette C5 là một trong những mẫu xe cuối cùng sử dụng đèn pha lồi

Cho tới đầu những năm 2000, đèn pha lồi gần như đã biến mất hoàn toàn. Những chiếc cuối cùng sử dụng kiểu đèn pha này là Chevrolet Corvette C5 và Lotus Esprit V8, hai mẫu xe vốn được thiết kế từ cuối những năm ’90 rồi đều bị ngừng sản xuất trong năm 2004.

Liệu các đèn pha lồi có bao giờ quay trở lại? Thực sự là rất khó bởi những quy định an toàn dành cho người đi bộ, độ đáng tin cậy và ổn định khí động học là các mối lo đáng quan tâm hơn đối với mỗi nhà sản xuất xe thay vì thú vui làm ra những loại đèn pha có thể lật lên, cụp xuống.

>>> 13 mẫu xe có bộ đèn pha “ngầu” nhất từ trước tới nay

Bạn cũng có thể thích