5 sự kiện nổi bật nhất của ngành ô tô Việt Nam năm 2017

Những sự kiện như xe đua nhau giảm giá “sốc”, Nghị định 116 siết xe nhập khẩu hay tập đoàn Vingroup thành lập VinFast đã làm nên một năm thực sự đáng nhớ của làng ô tô Việt Nam.

Nói đến ngành ô tô Việt Nam trong năm 2017, cụm từ mà người ta nghĩ tới nhiều nhất có lẽ là “giảm giá xe”. Quả vậy, trong suốt nhiều tháng vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam đã có phen “hoa mắt” với những thông tin giảm giá xe dồn dập. Từ những mẫu xe bán chạy đến “ế ẩm”, từ crossover đến sedan, tất cả đều đua nhau giảm giá nhằm lôi kéo người tiêu dùng vốn đang chần chừ mua ô tô để chờ năm 2018.

Trong khi đó, nhiều hãng phân phối ô tô tại Việt Nam lại đang phải đau đầu vì Nghị định 116 quy định về nhập khẩu xe hơi. Dự kiến bắt đầu được thực thi từ ngày 1/1/2018 tới, Nghị định 116 sẽ là rào cản, ngăn những mẫu xe nhập khẩu như Honda CR-V hay Ford Ranger về Việt Nam.

Chỉ riêng 2 điều kể trên đã góp phần làm nên một năm thực sự đáng nhớ của ngành ô tô Việt Nam năm 2017. Hãy cùng điểm lại 5 sự kiện nổi bật nhất của ngành ô tô Việt Nam trong năm nay qua bài viết dưới đây.

1. “Cơn bão” giảm giá ô tô tại Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, không ít người Việt đã có tâm lý chờ năm 2018 để mua xe giá rẻ do thuế ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á xuống 0% theo Hiệp định thương mại nội khối (AFTA). Điều này kéo theo sự ảm đạm của thị trường ô tô trong nước khiến các hãng xe phải đua nhau giảm giá để lôi kéo khách hàng.

Hãng mở màn cho làn sóng giảm giá xe tại Việt Nam là Volkswagen. Vào giữa tháng 1/2017, Volkswagen đã quyết định tặng 100% phí trước bạ trị giá 345 triệu Đồng cho khách hàng mua mẫu xe Touareg. Đến giữa tháng 6/2017, Volkswagen Việt Nam một lần nữa gây sốc khi giảm giá 260 triệu Đồng cũng cho dòng Touareg.

Volkswagen Touareg là một trong những mẫu xe được giảm giá mạnh nhất tại Việt Nam năm 2017. Ảnh minh họa

“Mạnh tay” không kém là Lexus với chính sách giảm giá 210 triệu Đồng cho dòng SUV hạng sang LX570. Ngay cả hai mẫu xe sang Lexus LS460L và GX460 cũng được giảm giá đến 140 triệu Đồng.

Là hãng hiếm khi giảm giá xe như Toyota Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt mẫu xe Toyota đã được giảm giá tại Việt Nam như Land Cruiser, Land Cruiser Prado, Vios, Camry hay Fortuner.

Trong số các phân khúc xe tại Việt Nam, crossover hạng C chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt nhất khi hàng loạt cái tên như Mazda CX-5, Nissan X-Trail, Hyundai Tucson và Honda CR-V được giảm giá. Nếu như Thaco Trường Hải giảm giá 80 triệu Đồng cho Mazda CX-5 thì Nissan Việt Nam cũng quyết “ăn thua” bằng việc giảm giá 100 triệu Đồng cho X-Trail. Riêng Honda CR-V từng được giảm giá từ 110 – 170 triệu Đồng, tùy phiên bản, vào hồi tháng 8/2017. Mới đây nhất là Hyundai Tucson được ưu đãi giá đến 130 triệu Đồng trong tháng 11/2017.

Nhờ giảm giá, Nissan X-Trail đã từng lọt vào top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam theo tháng. Ảnh minh họa

Sự thay đổi chóng mặt của giá xe Việt Nam trong những tháng qua đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khách hàng. Người vui mừng vì mua được ô tô giá rẻ, người lại “méo mặt” vì vừa mua xe hôm trước, hôm sau thấy giảm giá cả trăm triệu Đồng.

2. Tập đoàn Vingroup tham gia vào ngành ô tô

Một trong những thông tin gây xôn xao nhất làng ô tô Việt Nam năm 2017 chính là quyết định thành lập thương hiệu ô tô VinFast của tập đoàn Vingroup. Vào ngày 2/9 năm nay, tập đoàn Vingroup đã tổ chức lễ khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Khu kinh tế Cát Hải – Hải Phòng.

Lễ khởi công VinFast

Theo tập đoàn Vingroup, VinFast là từ viết tắt của cụm Phong cách – An toàn – Sáng tạo – Tiên phong với ý nghĩa tôn vinh xe thương hiệu Việt. Công ty VinFast có vốn điều lệ 5.250 tỷ Đồng do Vingroup sở hữu 100%. Ngoài ra, VinFast còn ký kết biên bản ghi nhớ với Credit Suisse AG để vay số tiền 800 triệu USD.

Mục tiêu của VinFast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế 500.000 xe/năm vào năm 2025. Sản phẩm chính của VinFast sẽ là động cơ đốt trong, ô tô điện và xe máy điện.

Trong giai đoạn 1, VinFast sẽ xuất xưởng 1 mẫu sedan 5 chỗ, 1 SUV 7 chỗ và xe máy điện. Sản phẩm đầu tiên xuất xưởng của VinFast trong 12 tháng đầu là xe máy điện, sau đó mới đến ô tô.

Đến tháng 10/2017, VinFast đã tung ra 20 mẫu thiết kế ô tô cho người Việt bình chọn. Đây là những mẫu ô tô do các hãng thiết kế xe nổi tiếng của Ý là Pininfarina, Zagato, Torino và ItalDesign tạo ra. Từ 20 mẫu này, VinFast sẽ chọn ra 1 xe sedan và 1 xe SUV để đưa vào sản xuất.

Hai mẫu xe được bình chọn nhiều nhất của VinFast

3. Trường Hải và Hyundai Thành Công sản xuất ô tô, đặt mục tiêu xuất khẩu

Trường Hải là hãng “bắn phát súng đầu tiên” khi khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mới ở Khu kinh tế Chu Lai. Dự kiến, đến tháng 3/2018, nhà máy sẽ được khánh thành và đi vào hoạt động. Nhà máy này không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam mà còn hướng tới việc xuất khẩu ô tô ra nước ngoài.

Phối cảnh nhà máy sản xuất ô tô mới của Trường Hải ở Khu kinh tế Chu Lai

Đến ngày 8/12 vừa qua, Trường Hải tiếp tục khánh thành nhà máy xe buýt lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Quảng Nam. Công suất thiết kế của nhà máy Bus Thaco là 20.000 xe/năm, bao gồm 8.000 xe buýt và 12.000 xe mini-bus. Ngoài ra, nhà máy còn có tỷ lệ tự động hóa cao và tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 40%.

Trong khi đó, Hyundai Thành Công đã giới thiệu Grand i10 lắp ráp tại Việt Nam vào hồi tháng 7 năm nay. Trước đây, Hyundai Grand i10 tại Việt Nam được nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ.

Tương tự Santa Fe và Elantra, Grand i10 cũng được lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình, trên dây chuyền công nghệ chuyển giao từ Hyundai Hàn Quốc. Tương tự Trường Hải, Hyundai Thành Công cũng đặt mục tiêu xuất khẩu xe sang toàn thị trường ASEAN.

Hyundai Grand i10 2017 lắp ráp tại Việt Nam

Không dừng ở đó, vào tháng 9/2017, liên doanh xe thương mại giữa tập đoàn Thành Công và Hyundai Hàn Quốc có tên Hyundai Thành Công Xe thương mại (HTCV) chính thức được thành lập. Qua đó, tập đoàn Thành Công trở thành đối tác duy nhất của thương hiệu Hyundai, thâu tóm việc phân phối các mẫu xe tải và xe buýt tại Việt Nam.

Các mẫu xe tải và xe buýt của HTCV cũng được lắp ráp tại tổ hợp sản xuất ô tô ở Ninh Bình. Công suất dự kiến của liên doanh này là 12.000 xe buýt và 30.000 xe tải mỗi năm. Bên cạnh việc phục vụ thị trường trong nước, liên doanh HTCV cũng đặt mục tiêu xuất khẩu sang các nước ở khu vực Đông Nam Á.

4. Các vụ tiếp quản quyền phân phối xe tại Việt Nam

2017 cũng là năm chứng kiến nhiều vụ tiếp quản quyền phân phối xe tại Việt Nam. Vụ tiếp quản đầu tiên phải kể đến việc Đại Á giành quyền phân phối xe Jaguar Land Rover tại Việt Nam vào hồi tháng 8/2017. Trước đây, quyền phân phối xe Jaguar Land Rover tại Việt Nam thuộc về Tân Thành Đô. Nguyên nhân là do công ty Tân Thành Đô bị truy thu 719,5 tỷ Đồng tiền thuế nên không thể tiến hành các hoạt động xuất khập khẩu ô tô.

Tiếp theo đó là vụ Trường Hải tiếp quản quyền phân phối xe BMW và Mini tại Việt Nam vào tháng 9/2017. Đây là kết quả sau khi Công ty Euro Auto – đơn vị có quyền nhập khẩu và phân phối xe BMW cũng như Mini tại Việt Nam – bị khởi tố hình sự vì tội buôn lậu xe.

Gần đây nhất là vụ Trường Hải tiếp quản quyền lắp ráp và phân phối xe Fuso tại Việt Nam vào đầu tháng 12. Trước đây, quyền phân phối xe Fuso ở Việt Nam thuộc về Mercedes-Benz.

Lễ ký kết giữa Trường Hải và Fuso

Thông qua việc ký kết hợp đồng vào tối 1/12, Trường Hải sẽ tiếp nhận việc quản lý phân phối xe Fuso với mạng lưới rộng khắp. Đồng thời, Trường Hải cũng sẽ tổ chức sản xuất và lắp ráp tất cả các mẫu xe tải cũng như xe buýt hiện có của Fuso. Thêm vào đó, Trường Hải sẽ tiến hành nội địa hóa linh phụ kiện cần thiết theo tiêu chuẩn của tập Đoàn Mitsubishi Fuso và tập đoàn Daimler.

>>> THACO tiếp quản thương hiệu FUSO từ tay Mercedes-Benz

5. Nghị định 116 và Nghị định 125

Vào hồi cuối tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành ô tô. Nghị định này ra đời nhằm siết chặt thị trường nhập khẩu ô tô khiến hàng loạt mẫu xe khó có cửa về Việt Nam.

Theo Nghị định 116, đối với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu, khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng các giấy tờ sau: Bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô; và tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Với những quy định này, ngay cả các hãng nhập khẩu xe chính hãng cũng đành “bó tay”. Sau đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị tạm hoãn thực thi Nghị định 116 trong thời gian ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm 1/1/2018 khi Nghị định 116 chính thức được áp dụng, Chính phủ vẫn chưa đưa ra bất kỳ điều chỉnh nào.

>>> Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sẽ rà soát lại Nghị định 116 về nhập khẩu ô tô

Sau Nghị định 116, đến ngày 16/11/2017, Nghị Định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/126/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi tiếp tục được ban hành. Theo Nghị định được áp dụng từ ngày 1/1/2018 này, nhiều loại linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế 0%. Nhờ đó, giá xe lắp ráp tại Việt Nam có thể sẽ giảm trong năm 2018.

Tất nhiên, việc giá ô tô tại Việt Nam có giảm trong năm 2018 hay không thì có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới có câu trả lời.

Bạn cũng có thể thích