7 xu hướng tương lai nhìn thấy được từ triển lãm ô tô Geneva 2018

Tăng cường sử dụng sợi carbon, nâng cấp đèn pha thông minh… chính là những xu hướng tương lai của ngành xe mà người ta có thể thấy ở triển lãm ô tô Geneva 2018.

Triển lãm ô tô hào nhoáng nhất thế giới đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, và đi kèm với nó là một cảm giác xoa dịu cho những người vẫn đang hoài nghi về một tương lai với đầy những chiếc ô tô tự lái và vô danh. Qua triển lãm này, có thể thấy hóa ra các nhà sản xuất ô tô vẫn quyết định “chơi đùa” một chút với những cỗ máy của họ.

Trong khi một số tìm cách bổ sung công suất và hệ dẫn động sáng tạo mới, có hãng ô tô khác lại chọn cách thu hút người mua bằng những thứ bóng bẩy như da và kim cương. Bên cạnh đó là những nỗ lực tích hợp càng nhiều công nghệ càng tốt, với các giải pháp thông minh mới để xe và tài xế tương tác với nhau.

Đối với những người không thể theo dõi chi tiết triển lãm ô tô Geneva 2018, sau đây là danh sách 7 xu hướng nổi trội của sự kiện năm nay.

Tương lai sáng sủa

Mercedes-Benz đã sử dụng triển lãm ô tô Geneva 2018 để phô diễn công nghệ đèn pha mới sẽ không bao giờ làm mù mắt tạm thời cho tài xế ở đi ngược chiều và còn có thể tự động làm nổi bật người đi bộ trong luồng chiếu sáng hoặc thậm chí đưa ra biểu tượng cảnh báo trên đường ở phía trước xe. Công ty Đức gọi nó là Digital Light, và nó có mặt ở trên mẫu xe siêu sang Mercedes-Maybach S-Class.

Ở phần tâm của đèn là một con chip nhỏ với một triệu “chóa đèn siêu nhỏ” có tác dụng phản chiếu tia sáng và bẻ hướng nó. Camera có thể phát hiện những người tham gia giao thông khác và lập bản đồ kỹ thuật số cảnh báo các góc rẽ sắp tới, nhờ đó mà ánh đèn có thể được bật lên trước khi tài xế tự tay làm thế. Chiếu hình ảnh biểu tượng không chỉ tạo ra cảnh báo bắt mắt cho tài xế mà còn giúp xe tự lái của tương lai giao tiếp với con người.

Nhìn thẳng phía trước

Porsche đã ra mắt một chiếc Mission E Cross Turismo đầy bất ngờ trong triển lãm Geneva năm nay. Bất kể bạn gọi nó là SUV, wagon hay grand tourer, chiếc xe điện sang chảnh này có một vài điểm thiết kế thông minh mà các nhà sản xuất khác có thể học theo, ví như cổng sạc điện ở cả hai bên xe nên bạn không cần kéo dây sạc quá xa. Tuy nhiên, tính năng thông minh nhất là một bảng điều khiển tự biết tài xế đang tìm kiếm thông tin gì, và hiển thị nó ở trung tâm phía trước.

Một camera ở gương chiếu hậu sẽ dõi theo ánh mắt của tài xế, và tìm xem anh ta đang nhìn vào đồng hồ ảo báo hiệu suất, chỉ số lái, năng lượng hoặc Sport Chrono. Máy tính xử lí khi đó sẽ chuyển thông số liên quan lên phía trước, trong khi tối thiểu hóa những ánh sáng và đồng hồ gây mất tập trung khác. Với màn hình cảm ứng thay thế các công tắc điều khiển cơ học trên xe, bất cứ thứ gì giúp giảm sự mất tập trung của tài xế đều tốt cả.

Viễn cảnh rõ ràng

Các nhà sản xuất xe ngày càng sử dụng sợi carbon cho nhiều bộ phận trên xe. Đây là vật liệu bền và siêu nhẹ nên hoàn hảo đối với xe đua. Các tính chất của nó cho phép nhà thiết kế nghĩ ra những phương pháp mới.

Bugatti đã phát triển ra một thứ mà họ gọi là cần gạt kính chắn gió bằng sợi carbon đầu tiên trên thế giới. Cấu trúc linh hoạt hơn của cần gạt bằng sợi carbon loại bỏ đi sự cần thiết của các khớp nối kim loại truyền thống. Hơn nữa, công nghệ mới cũng có tính khí động học tốt hơn. Phần đầu cần gạt vẫn được làm từ kim loại nhôm nhưng được in 3D. Tổng thể thiết bị mới có trọng lượng nhẹ hơn 71% so với các mẫu cũ.

Nhạy cảm hơn

Nếu có một chiếc xe hiện đại, bạn có thể theo dõi được áp suất khí trong lốp xe. Nhà sản xuất lốp xe Pirelli đang có bước tiến xa hơn với một hệ thống mới gọi cả Cyber Car, cho phép gắn cảm biến vào chính các lốp để truyền thêm nhiều dữ liệu tới xe, và tới người lái.

Nhiệt độ và độ sâu của gai vỏ lốp xe ảnh hưởng tới lực bám, nên kiểm soát độ ổn định của xe có thể bù đắp cho lốp xe lạnh hoặc mòn. Một cảm biến trọng lượng có thể đo chính xác xe nặng bao nhiêu với tất cả hành khách ở phía sau, và cho bạn biết nên bơm lốp căng hơn hoặc đảo bánh. Cảm biến tí hon gắn trên la-zăng có thể chuyển dữ liệu tới một bộ điều khiển điện tử trên xe, và rồi có thể xử lý bằng xe thông minh, hoặc một ứng dụng smartphone.

Đua tới tương lai

Công ty xe Anh quốc McLaren, lừng danh bởi đội đua F1 của họ, đã cho ra mắt chiếc xe chạy trên đường phố tối tân nhất với cái tên Senna ở triển lãm ô tô Geneva 2018. Thế nhưng, họ không chỉ dừng lại ở đó mà còn chế tạo thêm xe concept Senna GTR, phiên bản chỉ sử dụng trên đường đua.

McLaren Senna GTR có công suất cao hơn và tạo ra lực ép xuống hơn 1.000 kg. Bên cạnh đó, xe còn có một hộp số phong cách xe đua, hệ thống treo xương đòn kép và bộ lốp xe cực chất. Trong tương lai xa, con người có thể bị cấm lái xe hoặc chỉ được lái ở những trường đua khép kín như một sở thích mà thôi. Nếu đúng như thế, McLaren có vẻ đang muốn đi trước một bước cho tương lai đó.

Ngồi xuống, thư giãn

Ngày xửa ngày xưa, xe ô tô từng là một thứ xa xỉ, được tạo ra từ những chất liệu tốt nhất để bao bọc một chủ nhân trong sự giàu sang và phô trương. Aston Martin đang chạy theo xu hướng xe điện tự lái tương tự các đối thủ, nhưng đã nhảy vọt thiết kế của họ với Lagonda Vision Concept. Phần ngoại thất của mẫu sedan hạng sang này rất bóng mượt và đầy tính khí động học, nhưng chính phần nội thất của nó mới mang lại cho chúng ta cái nhìn về một tương lai rất hoàn mỹ.

Cùng với sợi carbon, Aston Martin đã đưa vào xe cả những chất liệu như sứ, len cashmere, lụa, và thảm dệt thủ công được hoàn thành với sự giúp đỡ của các thợ may Savile Row. Chúng ta sẽ còn lâu mới được thấy tất cả những thứ đó trong một chiếc xe thương mại nhưng nhìn chung là nội thất của xe sẽ trở thành một yếu tố tạo ra  sự khác biệt quan trọng đối với các nhà sản xuất.

Không có chỗ cho sự nhạt nhẽo

Một công ty xe Anh quốc khác mà chúng ta lâu lắm không nghe tới cũng xuất hiện ở triển lãm ô tô Geneva 2018. Morgan Motor Company, thành lập từ 1910, đang tập trung đầu tư cho mẫu xe cũ mà lại hóa mới mang tên Aero GT – phiên bản cải tiến của Aero 8.

Xe sử dụng động cơ BMW V8, cho phép tăng tốc từ 0-96 km/h chỉ trong 4,5 giây. Nó cũng học lỏm thiết kế khí động học của xe đua với mang cá trên tấm chắn bùn để gia tăng lực ép xuống và một bộ khuếch tán giúp làm nhẹ phần sau của xe, cả về cả mặt vật lý lẫn thiết kế. Các tấm thân vỏ của Aero GT nhìn có vẻ cổ điển nhưng tất cả đều được thiết kế với các mô phỏng dòng chảy khí động lực học trên máy tính.

Aero GT cho thấy rằng thiết kế hiện đại không nhất thiết là phải vô hồn, hoặc theo tiêu chuẩn cứng nhắc, và có thể cho bạn hi vọng rằng các xe tự lái trong tương lai cũng có thể mang phong cách cá tính, đẹp mắt.

>>> Top 5 mẫu xe concept hấp dẫn nhất ở triển lãm ô tô Geneva 2018

Bạn cũng có thể thích