Công ty mẹ của Mercedes-Benz có thể bị phạt 4,4 tỷ USD vì gian lận khí thải
Trước là Volkswagen, giờ là đến lượt Daimler, công ty mẹ của Mercedes-Benz, vướng vào cáo buộc gian lận khí thải và có thể phải chịu nộp phạt tới 4,4 tỷ USD.
Vừa mới khi vụ scandal gian lận khí thải của Volkswagen đã bắt đầu chìm vào quên lãng, những người đam mê các nhãn hiệu xe Đức lại đón nhận thêm một tin cực nóng khác là Bộ trường Giao thông Đức Andreas Scheuer đã đe dọa phạt Daimler, công ty mẹ của Mercedes-Benz, 4,4 tỷ USD đối với các xe chạy dầu diesel có cài đặt phần mềm gian lận khí thải.
Dựa theo thông tin từ tạp chí Spiegel, ông Scheuer đã chất vấn chủ tịch Dieter Zetsche của Daimler vào ngày thứ 2 tuần qua về những mẫu xe van lẫn xe Mercedes-Benz khác mới được phát hiện có phần mềm bất hợp pháp gần đây. Bộ trưởng Giao thông Đức nói rằng có tới 750.000 chiếc xe từ Mercedes có thể bị ảnh hưởng và chính phủ có thể bắt phạt khoảng 5.834 USD mỗi chiếc.
Xe van Mercedes-Benz Vito
Trong một email gửi tới truyền thông, một người phát ngôn của Bộ giao thông Đức cho biết rằng Daimler và Bộ sẽ giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp liên quan tới khí thải dầu diesel.
Daimler đang trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”
Trong tháng trước, cơ quan KBA Đức đã ra lệnh cho Daimler thực hiện triệu hồi các mẫu van Vito có trang bị động cơ dầu diesel, dung tích 1.6 lít từ Renault. Daimler nói rằng họ sẽ kháng cáo quyết định của KBA và phản đối phát hiện phần mềm bất hợp pháp tại tòa án nếu cần thiết.
Tạp chí Spiegel nói rằng có những bằng chứng cho thấy động cơ dầu của các mẫu Mercedes-Benz C-Class cũng đang vi phạm quy định khí thải. Các đại diện của Daimler sẽ được triệu tập tới Bộ giao thông Đức trước khi một cuộc họp thứ 2 giữa ông Zetsche và ông Scheuer diễn ra vào cuối tháng 6 này.
Mercedes-Benz C-Class
Báo cáo mới còn chia sẻ rằng có ít nhất thêm 80.000 chiếc xe nữa có thể bị triệu hồi trong thời gian tới. Một người phát ngôn của Daimler nói rằng họ đã cam kết giữ bí mật bản chất cuộc hợp với Bộ giao thông Đức và sẽ không đưa ra bình luận gì vào lúc này.
Sau vụ scandal tai tiếng hồi năm 2015 của Volkswagen, chính phủ Đức đã đưa ra nhiều quy định hết sức nghiêm khắc về vấn đề khí thải, và một số thành phố giờ đây còn cấm các xe chạy dầu diesel cũ lưu thông trên đường phố.
>>> CEO hồi sinh Volkswagen sau bê bối khí thải bị bãi nhiệm