Hệ thống treo điện từ Bose – Công nghệ siêu việt “suýt” làm nên cuộc cách mạng ngành xe ô tô
Hệ thống treo điện từ Bose là một công nghệ tân tiến, có chất lượng vượt xa những hệ thống treo truyền thống khác, nhưng vì những lí do như cân nặng và giá cả mà đã bị người ta lãng quên.
Đối với những người sử dụng xe ô tô, Bose thường được biết đến là một nhãn hiệu cung cấp hệ thống âm thanh chất lượng cao cho phần nội thất. Tuy nhiên, ít ai biết rằng họ còn là nhà phát minh của một công nghệ hệ thống treo hết sức tuyệt vời, nhưng được cho là quá tốn kém và nặng nề để áp dụng vào thực tiễn, kể cả sau thời gian 24 năm và 100 triệu USD chi phí phát triển.
Cho tới thời điểm cuối năm ngoái, sau gần 40 năm kể từ khi tiến sĩ Amar Bose nảy ra ý tưởng biến củ loa (tiếng Anh: driver) điện từ của loa phóng thanh trở thành một hệ thống treo thích ứng trong xe ô tô, Bose đã phải bán công nghệ siêu việt này cho ClearMotion, một công ty công nghệ khác ở khu vực Boston được thành lập bởi những người tốt nghiệp MIT. Và ClearMotion hứa hẹn sẽ áp dụng hệ thống treo Bose cho những xe tự lái trong tương lai, nhằm mang đến một trải nghiệm êm ái nhất cho người ngồi.
Trong quá khứ, Bose đã đi xa tới mức phát triển các xe thử nghiệm để mang đi trình diễn trong năm 2004, và sau đó là cho ra thị trường một sản phẩm “anh em” khác là ghế ngồi treo điện từ cho cánh tài xế lái xe tải đường dài. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại một chút về phát minh lẽ ra đã có thể cách mạng ngành xe ô tô nhưng bất thành này.
Nguồn gốc của hệ thống treo điện từ
Ở một biểu giới thiệu công nghệ ở trụ sở Bose tại thành phố Framingham, bang Massachusetts, Mỹ, nhà sáng lập Amar Bose đã nói, “Đây là lần đầu tiên một hệ thống treo có thể được dùng tương tự cho cả xe thể thao và xe sang.” Ông ấy đã bị cuốn vào việc phát triển một giải pháp thay thế cho hệ thống treo gồm lò xo và giảm xóc truyền thống sau khi có kinh nghiệm sở hữu một chiếc Pontiac 1957 với hệ thống treo khí nén yếu ớt và một chiếc Citroën 1967 với hệ thống treo thủy khí luôn bị rò rỉ.
Mô hình hệ thống treo điện từ Bose
Ông Bose tin tưởng rằng một củ loa của loa phóng thanh với thành phần gồm có một cục nam châm và một cuộn dây điện từ, thứ có nhiệm vụ đẩy phần vành loa ra và vào, có thể được “thổi phồng” kích cỡ lên để di chuyển hẳn một chiếc xe hơn 450 kg ở mỗi góc. Ông ấy đã sáng chế ra một mô hình toán học cho hệ thống treo. Nó được tính toán sử dụng những mô tơ điện từ, bộ khuếch đại công suất, thuật toán điều khiển, và bộ vi xử lý công suất tốt hơn và mạnh mẽ – tất cả những thừ mà ông tin tưởng rằng sẽ có trong tương lai.
Ông Bose đã thành lập dự án này trong năm 1980 và đặt tên mã cho nó là Project Sound để che giấu bản chất thật khỏi bộ phận kế toán của công ty. 24 năm sau, công ty đã cảm thấy đủ thoải mái với Project Sound để trình diễn nó trước giới truyền thông và các nhà phân tích.
Sự khác biệt như “ngày và đêm” trong chất lượng lái
Ở buổi ra mắt trong mùa hè năm 2004, công ty Bose đã thực hiện một bài thử nghiệm với hai chiếc Lexus LS400 1994, gồm một đã được lắp đặt hệ thống treo điện từ và một nguyên bản gốc, và một chiếc Porsche 911. Chúng được lái nhanh qua qua các khúc cua và đi qua đoạn đường gồ ghề ngắn trên cả trục trước và trục sau, và một đoạn gồ ghề nữa nhưng chỉ nâng hàng lốp bên trái chứ không nâng bên phải.
Thử nghiệm hệ thống treo điện từ Bose trong một video năm 2016
Thông qua bài thử nghiệm, ngườt xem đã có thể nhận một sự khác biệt rất rõ ràng khi đoạn đường gồ ghề đã khiến chiếc Lexus nguyên bản bị rung lắc khó chịu ra làm sao, nhưng dường như không gây nên một chút cảm giác gì với chiếc đã lắp hệ thống treo Bose. Project Sound không những làm giảm độ xóc trên đường gồ ghề mà còn chủ động đối phó với chúng.
Sự khác biệt giữa hai xe Lexus LS400, bên trên là nguyên bản và bên dưới có hệ thống treo Bose, khi đi qua đường gồ ghề
Bài thử nghiệm đoạn gồ ghề lệch trái-phải với hệ thống treo truyền thống đã tỏ ra dữ dội đối với mẫu Porsche 911 đến mức tài xế lái thử thậm chí đã phải đội mũ bảo hiểm để tránh gây chấn thương đầu khi đầu anh ta liên tục đập vào cửa sổ bên cạnh.
Mô tơ tuyến tính được lắp đặt ở mỗi góc thay thế cho lò xo và giảm xóc truyền thống
Ấn tượng nhất đối với người xem ngày hôm đó có lẽ là màn thử nghiệm lái chiếc Lexus có hệ thống treo điện từ ở tốc độ cao vượt qua một tà vẹt đường sắt đặt trên mặt đất. Khi tài xế tiếp cận gần cái tà vẹt đường sắt, chiếc xe đã chủ động nhún xuống (bởi hệ thống treo điện từ có khoảnh chạy tới 20 cm), rồi mô tơ tuyến tính chuyển sang chế độ giãn tối đa, và khiến xe “bay” khỏi mặt đất để vượt qua chướng ngại phía trước một cách dễ dàng.
Sau đó, tài xế bước ra ngoài, cúi chào đám đông, chỉ vào chiếc xe, ấn một nút bấm, và hệ thống treo phía trước cũng trùng xuống, và cúi chào khi đèn pha nhấp nháy. Kết thúc một màn “diễn xiếc” ngoạn mục trước sự kinh ngạc của người xem.
Hệ thống treo điện từ Bose được lắp đặt ở chiếc Lexus LS400 1994
Ở cuối buổi trình diễn, người đại diện của Boss đã giải thích hai điều cần thiết cơ bản để đưa hệ thống treo kỳ diệu này ra thị trường trong một chiếc xe thương mại vào cuối thập kỷ đó. Một là giá cả sẽ phải giảm xuống một mức phải chăng đối với một xe cao cấp, và hai là cân nặng sẽ phải giảm xuống mức không quá 22,6 kg ở mỗi góc so với hệ thống treo khác. Đồng nghĩa rằng một chiếc xe thương mại thông thường sẽ nặng thêm hơn 90 kg nữa.
Nhiều nhà sản xuất ô tô danh tiếng thế giới đã họp mặt với Bose, nhưng tiếc rằng là không có lấy một xe sử dụng hệ thống treo Bose nào từng được tung ra thị trường. Thêm vào đó là câu chuyện định ứng dụng hệ thống treo điện từ cho xe cứu thương hoặc xe buýt du lịch hạng sang, có lẽ tất cả đều không thành hiện thực.
>>> Khám phá chiếc sedan lớn nhất thế giới, nặng 30 tấn và dùng động cơ xe tăng