Ông thợ sửa xe chế tạo ô tô điện tại Việt Nam
Một thợ sửa xe ở TPHCM không có kinh nghiệm chuyên môn nhưng đã thành công chế tạo ra chiếc ô tô điện.
Ông Trần Minh Tâm sống ở huyện Củ Chi, TPHCM mới chỉ học đến lớp 9 đã nghỉ học vì nhà nghèo. Sau đó, ông đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống như buôn bán, sửa chữa xe, lơ xe, lái xe… Trong suốt quá trình làm việc, ông luôn mơ ước tạo ra những chiếc xe điện. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2005 ông chuyển qua kinh doanh xe đạp điện và mày mò chế tạo những chiếc xe theo ước mơ của mình.
Chạm đến ước mơ bằng lòng tự hào dân tộc
Con đường đến ước mơ của ông bắt đầu từ suy nghĩ tạo ra một chiếc xe điện để đỡ tốn xăng. Vì vậy, ông đã mua chiếc Honda Chaly cũ và bỏ hết máy cơ để chế tạo thành xe điện. Sau khi thành công, ông bắt đầu làm ra những chiếc xe điện dành cho người tàn tật, người già, xe điện đứng đi dạo…
Song, mơ ước lớn nhất của ông là tạo ra một chiếc ô tô điện đẹp mắt, khả năng vận hành tốt mà còn bảo vệ môi trường. Ông chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, chiếc xe 3 bánh chạy điện của tôi đoạt giải 3 tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM 2007. Tui còn có máu tự hào dân tộc nữa. Không lẽ ở Indonesia, Campuchia làm được ô tô điện rồi, VN không làm được.”
Cuối cùng, chiếc ô tô điện có tên CITY 18 là sản phẩm đầu tiên của thương hiệu TMTA EV mà ông đã sản xuất ra từ những suy nghĩ tâm huyết trên. Theo ông, TMTA EV là viết tắt của tên ông Trần Minh Tâm và EV là viết tắt của Electric Vehicle (xe điện). Còn CITY 18 là tên gọi cho chiếc xe chạy trong thành phố ra đời vào năm 2018.
Không chỉ đẹp mà còn phải độc
Ngoại hình của xe bắt mắt với logo có biểu tượng chim đại bàng tung cánh, thể hiện khát khao chinh phục của người đàn ông 56 tuổi này. Còn dàn đèn trước và sau kiểu dáng cũng do ông Tâm tự thiết kế “không giống ai” rất đẹp và “độc”. Theo đó, bản thiết kế của CITY 18 được phác họa trong đầu trước khi vẽ ra trên giấy. Từ thiết kế, ông bắt tay vào cắt, hàn, phay, bào… các chi tiết của khung sườn. Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay.
Để tạo tính thẩm mỹ cho ngoại hình của xe, nhất là hai cửa dạng cánh chim, ông đã phải vẽ mẫu và chuyển cho các thợ hàn chuyên nghiệp gia công. Bên cạnh đó, màu sơn xe cũng được ông giao cho gara ô tô danh tiếng thực hiện.
Ông Tâm cho biết, thời gian hoàn thiện một chiếc ô tô điện với phương thức thủ công như trên là gần 3 năm.
CITY 18 của ông Tâm đã gây ấn tượng mạnh về kiểu dáng giữa các mẫu ô tô điện cỡ nhỏ đơn giản ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Được biết, chiếc xe có kích thước tổng thể dài x rộng x cao là 3 x 1,62 x 1,4 (m), khoảng sáng gầm 23 cm và có 4 chỗ ngồi.
Động cơ của CITY 18 gồm 2 phần trước và sau. Trong đó, động cơ sau thuộc loại 2 cầu, có thể chạy độc lập 1 hoặc đồng bộ cả 2 khi cần tăng lực đẩy. Hơn nữa, ông Tâm cũng lưu ý đến thiết kế cầu xe khi tính đến khả năng nâng – hạ thân xe trong điều kiện bình thường hoặc ngập nước.
Nội thất của xe sở hữu đầy đủ các tính năng kỹ thuật của một chiếc ô tô bình thường và được lắp cả máy điều hòa. Nổi bật nhất là dàn âm thanh 9 loa có tính năng hát karaoke.
Theo ông Tâm, CITY 18 có thể đi được quãng đường 160 km với vận tốc tối đa là 50 km/h. Xe có thể sạc pin ở bất cứ nơi nào có điện 220V.
Ngoài CITY 18, ông Tâm còn tiết lộ đang sở hữu những bản thiết kế xe ô tô điện đỉnh hơn, có thể chạy được quãng đường 300 km với tốc độ tối đa là 120km/h.
Vị “kỹ sư không bằng cấp” này cho biết đã gửi hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời, ông cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất đại trà mẫu xe ô tô điện của mình.